Trẻ mất phương hướng khi bố mẹ chia tay“Em không thiết sống nữa”, Tuấn (15 tuổi), học sinh lớp 9 trường THCS Đống Đa, Hà Nội nói với chị gái mình khi chị trách cậu ngày càng khó bảo. Cậu học trò buông xuôi mọi chuyện kể từ khi cha mẹ ly hôn cách đây 6 tháng.
Tuấn kể hồi trước bố mẹ đã luôn cãi vã nhau về tiền nong và công việc trước mặt hai chị em cậu khiến cậu cảm thấy vô cùng mệt mỏi, nhưng không lúc nào cậu nghĩ bố mẹ sẽ li dị vì đó chỉ là những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống.
Từ ngày bố mẹ chia tay, Tuấn trở thành một người khác hẳn. Cậu trở nên lầm lì, không nói chuyện với ai, đồng thời bỏ học triền miên đến nỗi thầy giáo chủ nhiệm phải gọi điện cho bố để làm giấy kỷ luật. Đã vậy, cậu còn thường xuyên đi đêm không về.
Kể về con trai mình, bố Tuấn trầm ngâm: “Có lẽ việc nó không được ở với mẹ, không có mẹ ở bên cạnh khiến chị em nó cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Nhưng chị gái Tuấn đã lớn nên có thể tự chủ được cảm xúc của mình, còn Tuấn thì chỉ biết hành động theo cảm xúc và bản năng. Chán là buông xuôi, là lao vào những trò tiêu khiển không tốt”. Có lần sốt ruột vì cậu đi mấy ngày không chịu về nên ông đi tìm và thấy Tuấn đang “nhảy nhót, uốn éo trong vũ trường. Người nồng nặc mùi rượu, mùi bia”. Nhìn thấy bố, Tuấn chỉ nhếch mép cười, và “nhìn tôi trân trân. Đôi mắt tối sầm xuống. Nó đi theo tôi về nhà, sau đó nằm lỳ trong phòng đến mấy ngày mới bắt đầu đi học trở lại”.
Hoang mang về cậu con trai của mình, ông bố đã tự đến Trung tâm tâm lý Hà Nội để chia sẻ về tâm trạng khác thường của con.
Tại đây, nhà tư vấn Hoàng Hạnh Minh, cho biết, những hành động mà Tuấn đang làm xuất phát từ một chấn động tâm lý nặng nề mà cậu không sao chấp nhận được, từ đó dẫn đến những hành động xấu nhằm chống sự sợ hãi, mất mát trong chính tâm hồn mình.
Bà Minh chia sẻ Tuấn không phải là trường hợp duy nhất rơi vào khủng hoảng tâm lý như vậy, hiện nay đứng trước việc bố mẹ li dị, rất nhiều em đã có những hành động nông nổi để tự hủy hoại mình.
“Đó cũng là cách mà các em trốn tránh hiện thực đau buồn và mất mát trong cuộc sống của bản thân. Đặc biệt là với những em đang ở tuổi dậy thì, vì đây là độ tuổi đang hình thành nhân cách mà thiếu đi sự chăm sóc của bố mẹ thì rất dễ gây ra những hành động tiêu cực, khiến cho những người thân lo lắng. Những em rơi vào tình trạng này dù được sự chăm sóc, quan tâm của bố hoặc mẹ nhưng vẫn không thể nào lấy lại được tinh thần như lúc đầu. Đó chính là sự mất mát rất khó ổn định lại”, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.
Bà Minh từng gặp một trường hợp, em học sinh tên Vân Anh, lớp 11 trường THPT Hoàng Diệu, Hà Nội gọi điện đến vừa khóc vừa kể về việc em cảm thấy rất chán nản khi bố mẹ ra tòa. Dù khi ở cùng mẹ, Vân Anh được mẹ hết lòng chăm sóc và quan tâm nhưng em không thể nào hết chán nản.
“Cứ đi học về nhìn thấy nhà cửa trống tênh, lại nghĩ giờ này bố đang ở bên người phụ nữ khác với một đứa con khác không phải là mình, cháu lại thấy buồn vô cùng. Cháu chẳng muốn học hành gì nữa”, cô gái trẻ tâm sự. Cũng vì vậy mà cô bé bỏ bê việc học hành và lao vào yêu đương, đến nỗi sa ngã khi mới 17 tuổi.
Mới đây mẹ cô gái đã phải cay đắng xuống nhà người yêu Vân Anh xin cho hai người cưới nhau vì Vân Anh đã có thai đến hơn bốn tháng. "Con tôi ra nông nỗi này tất cả là tại bản thân tôi. Nhìn đứa con ngờ nghệch mới mười bảy tuổi đầu mà đã già như bà mẹ hơn 30 tuổi mà thấy đau đớn quá”, bà mẹ đau khổ nói.
Nhiều bạn trẻ đứng trước việc ly hôn của bố mẹ đã tìm đến cái chết, như trường hợp của một học sinh lớp 9 trường THCS Thuận Phú (Bình Phước) hồi tháng trước. Em trai này đã nhảy lầu tự tử, nguyên nhân là do chứng kiến cảnh bố mẹ bất hòa và đòi ra tòa ly hôn, khiến em khủng hoảng. Tuy không chết, nhưng cậu học trò đã bị đa chấn thương.
Còn Ngọc Quỳnh, (19 tuổi), quê Hải Dương, hiện đang là sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội chia sẻ rằng bố mẹ Quỳnh chia tay hồi cô còn học lớp 10. Vì ghét mẹ đi theo người đàn ông khác, nên lúc đầu Quỳnh ủng hộ việc chia tay, nhưng khi đứng trước tòa nghe tuyên cáo chính thức, cô bé hoàn toàn bị sốc. Suốt gần một năm trời, Quỳnh không còn thiết tha gì việc học hành nữa mà đi theo nhóm bạn tập hút thuốc, uống rượu.
“Đêm về thấy lòng trống trải không thể chịu đựng nổi nên đã có lần em uống hơn hai mươi viên thuốc ngủ để cho mình ngủ luôn, nhưng bố đã đưa em đi bệnh viện kịp thời. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, nhìn thấy khuôn mặt buồn bã, mệt mỏi của bố, em mới thực sự bừng tỉnh”, Ngọc Quỳnh tâm sự. “Em đã cố gắng để quên mẹ, và quên đi sự mất mát mà mình đang phải chịu để bắt đầu lại cuộc sống của mình”.
Các chuyên gia tâm lý đều cho rằng việc gia đình lý tán, dù vì bất kì lý do gì cũng để lại những “sang chấn về mặt tâm lý” rất lớn cho con cái họ, rất dễ dẫn đến những hậu quả xấu ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Nhẹ thì bỏ bê học hành, ăn uống sinh ra ốm đau, suy nhược cơ thể, nặng hơn thì dễ sa đà vào những trò chơi tiêu cực như lô đề, cờ bạc, rượu chè…., và có thể vô tình bị đưa đẩy dẫn đến những hành vi phạm tội. Theo một nghiên cứu mới đây của Bộ Công An thì có đến 8% số trẻ vị thành niên phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tâm lý thanh thiếu niên, Hà Nội cũng chia sẻ khi đứng trước việc cha mẹ ly hôn thì các bạn nam thường dễ bị suy sụp và mất cân bằng hơn so với các bạn nữ. Vì tâm sinh lý của con gái thường phát triển và trưởng thành sớm hơn, nên sẽ có những nhận thức đúng đắn, và chín chắn hơn, như thế sẽ dễ lấy lại được cân bằng.
Tuy vậy bà cũng nhấn mạnh “Bố mẹ trước khi quyết định ly hôn cũng cần có những cuộc trao đổi thẳng thắn, và tế nhị với con cái của mình, nhằm chuẩn bị cho chúng một tâm lý sẵn sàng, khiến chúng không bị sốc. Như vậy sẽ hạn chế được hệ quả”.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Thị Hằng, trung tâm tư vấn tâm lý tổng đài 1088 sau khi phân tích, cũng có lời khuyên đến các bậc cha mẹ: “Nếu cha mẹ có thể hàn gắn và tha thứ cho nhau thì nên làm vì những người con của họ luôn cần sự quan tâm và chăm sóc của cả bố lẫn mẹ. Chỉ có sự chăm sóc yêu thương của bố mẹ mới khiến cho trẻ có thể phát triển một cách toàn diện”.
Thụy Anh