(24h) - Hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra liên tục thời gian gần đây có thủ phạm và những người liên quan đều là nữ sinh các trường THCS, THPT. PV đã tiếp cận nhiều ngày cùng thế giới nữ sinh để ghi lại câu chuyện, tâm sự của những người trong cuộc cũng như tìm câu giải đáp cho thực trạng này.
Gặp lại Trần Thị Thu Hiền (nữ sinh lớp 11 Trường THPT Trấn Biên, Đồng Nai) tại trại giam Thủ Đức (Hàm Tân, Bình Thuận), chúng tôi không khỏi xót xa trước gương mặt héo mòn và những giọt nước mắt hối hận của cô bé.
Giết bạn chỉ vì ghenHiền và Nhi thân nhau từ nhỏ, nhà lại chung vách nên đi đâu, làm gì cũng dính nhau như đôi sam. Thời thơ ấu của cả hai có lẽ sẽ rất êm đềm nếu như không có ngày kẻ thứ ba xuất hiện.
Đó là Khang, một bạn trai Hiền quen trên mạng. Qua vài lần chat và gặp gỡ ngoài đời, Hiền dần có tình cảm quý mến Khang. Hiền không biết rằng sau những lần cùng đi chơi chung nhóm, Nhi cũng phải lòng Khang và thường xuyên nói dối để lén đi chơi riêng. Hiền rất bực tức và cảm thấy bị phản bội.
Một ngày hè tháng 7-2008, Nhi qua nhà Hiền chơi. Vừa gặp mặt nhau, cô bé đã thao thao bất tuyệt kể về chuyến đi chơi ở Vũng Tàu cùng nhóm bạn của Hiền. Nhi khoe là được tặng nhiều đồ đẹp và liên tục chê bai bạn trai của Hiền là đồ “khó xài”, không chịu galăng. Tức giận, Hiền hét lên bảo bạn “im mồm” nhưng Nhi vẫn tiếp tục chọc vào nỗi tự ái của Hiền. Không kiềm chế được cơn giận, Hiền chạy xuống bếp cầm dao đâm 39 nhát liên tiếp vào người Nhi cho đến khi bạn tắt thở. Trước khi gói thi thể bạn đem vất xuống bờ suối sau nhà, Hiền còn lấy đi chiếc lắc tay và điện thoại di động trên người Nhi. 17 ngày sau, Hiền bị bắt về tội giết người, cướp tài sản.
Chuyên viên tâm lý Minh Thị Lâm (phòng tham vấn học đường Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM):
Trẻ dễ bị kích động tâm lý dẫn đến hành vi sai trái
Trong cả hai trường hợp trên, trẻ đã bị tổn thương và kích động mạnh bởi những lời lẽ không hay của bạn. Khi bị bạn bè phê bình, bôi xấu, chọc giận, các em cảm thấy khổ tâm, buồn phiền. Đó là một đòn tâm lý rất nặng nề đối với các em.
Trong lúc bực bội, không kiềm chế được bản thân, Hiền và Thoại đã giết chết bạn mình. Nhưng rõ ràng hành vi giết chết bạn chỉ là để giải quyết cảm xúc nóng giận, giải tỏa bực bội trong lòng chứ trẻ không ý thức được hành vi của mình đúng hay sai. Hiền lớn lên trong một gia đình thiếu sự quan tâm của cha mẹ, phụ huynh thiếu niềm tin với con cái dẫn tới trẻ thường kết thân với nhóm bạn xấu, dễ bị lôi kéo vào những hành vi xấu. Nếu trẻ được người lớn chia sẻ, giúp đỡ kịp thời sẽ không bị ức chế về mặt tâm lý dẫn đến hành vi, thái độ sai trái. |
Hiền có một tuổi thơ ngỗ ngược. Lên lớp 6 Hiền thường xuyên lén đi chơi đàn đúm với đám bạn lêu lổng. Trong mỗi cuộc chơi, Hiền đều bỏ tiền bao để tỏ ra mình là con nhà giàu và có đẳng cấp. Hết tiền xài, Hiền lại ăn cắp tiền của mẹ. Bất lực với đứa con cứng đầu, người mẹ lấy xích sắt trói Hiền lại để cấm con không được đi chơi và từ bỏ tật ăn cắp. Nhưng khi cái xích được tháo ra, Hiền lại như một con ngựa bất kham quen đường cũ.
Lên cấp III, Hiền ăn cắp dữ hơn, bỏ học nhiều hơn. “Sau đó bố mẹ quản em rất chặt, khiến em cảm thấy rất ngột ngạt và muốn bung ra. Có những lúc em phải điều trị ở bệnh viện vì bị rối loạn cảm xúc. Em trở nên lầm lì và xa lạ với chính những người đã sinh ra mình” - Hiền nhớ lại.
“Nhưng hơn hai năm ở đây, ngẫm nghĩ lại em thương bố nhiều hơn và hay viết thư về tâm sự với bố. Nhà em bây giờ khó khăn lắm, làm ăn không được, bố mẹ phải chịu khổ nhục vì em. Em chỉ mong sao gia đình Nhi hãy vị tha với lỗi lầm của em để cha mẹ em được sống một cuộc sống bình thường. 18 năm ở trong tù, đó là cái giá quá đắt cho một phút nông nổi của em. Giờ em chỉ biết rèn luyện tốt để được sớm trở về với gia đình” - giọng Hiền như lạc đi.
Khôn ba năm, dại một giờỞ Trường THCS Phước Tiến (Q.9, TP.HCM), ai cũng mến mộ cô bé lớp trưởng Thái Thị Thanh Thoại không chỉ vì thành tích tám năm liền đạt học sinh xuất sắc mà còn là một cô gái hiền lành, xinh đẹp, sống chan hòa với bạn bè. Thoại luôn là niềm kiêu hãnh trong mắt cha mẹ cho đến một ngày cách đây một năm, em bị bắt vì tội “cố tình gây thương tích dẫn đến chết người”.
Chơi với nhau như những người bạn bình thường trong lớp, không hề có mâu thuẫn, thậm chí nhiều lần Thoại còn giúp Oanh làm bài tập. Vậy mà chỉ sau lần Thoại lớn tiếng nhắc tên Oanh trước lớp vì không chịu làm bài tập tiếng Anh, Oanh “quê” mặt. Trong giờ ra chơi, được một số người bạn “châm ngòi”, Oanh ngang nhiên chửi Thoại giữa sân trường với những lời lẽ thô tục. Trong cơn giận, Thoại lao vào đánh bạn tới tấp, Oanh cũng không vừa. Cả hai lao vào “tả xung hữu đột”.
Oanh bị bệnh tim bẩm sinh nên không chịu nổi những cú đấm liên tiếp của võ sĩ đai đen taekwondo như Thoại nên đã ngã gục ngay tại sân trường. Tiếng còi cấp cứu hú vội vã cũng không thể nào đuổi kịp sự ra đi bất ngờ của Oanh. Cả trường thật sự sốc trước tin cô nữ sinh 14 tuổi tên Oanh đã qua đời sau khi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.
Mẹ của Thoại như bị sét đánh bên tai khi nghe tin con mình gây ra cái chết của bạn. Thoại khóc đến ngất. “Em sợ gặp tất cả mọi người, sợ nhìn thấy sự thất vọng của ba mẹ và ánh mắt dị nghị của hàng xóm. Cả tuần liền em không ngủ được, cứ nhắm mắt lại là hình ảnh của Oanh hiện về oán trách...” - Thoại kể về những ngày tháng tuyệt vọng của mình trong đớn đau.
Sau cú sốc, điều duy nhất kéo cô bé trở về với cuộc sống chính là sự động viên của gia đình. “Em không nhớ mình đã lặp lại bao nhiêu lần từ “giá như”. Giá như em bình tĩnh một chút. Giá như em có thể nghĩ cho cha mẹ, người thân, không làm họ thất vọng. Giá như em không nghĩ chuyện đánh nhau là quá đơn giản...” - Thoại nghẹn ngào kể.
Trong khi các bạn cùng trang lứa bước vào lớp 9, Thoại lầm lũi đi cải tạo 24 tháng ở trường giáo dưỡng. “Bây giờ em nhận ra còn nhiều điều phải học. Đó không phải chỉ là học kiến thức ở sách vở, mà còn phải học cách cư xử làm sao để không phải hối hận cả đời” - Thoại tâm sự trong nuối tiếc.
_______________________________
Không chỉ đấm đá, đánh hội đồng... nạn nhân, nhiều nữ sinh còn bắt bạn cởi áo để quay phim, tung clip lên mạng... Chỉ trong vòng hai năm (2009-2010), cả nước đã xảy ra hàng chục vụ nữ sinh đánh nhau, gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường.